Tỉnh Bình Thuận phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến titan sâu, bền vững gắn với công tác bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. 

 

Các nhà khoa học thăm nhà máy chế biến titan của Tập đoàn Hưng Thịnh

Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành công nghiệp khai khoáng của địa phương. Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận mới đây. 

Chiếm 92% trữ lượng cả nước 

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, theo tính toán của cơ quan chức năng, hiện trữ lượng titan cả nước là 650 triệu tấn, trong đó riêng tỉnh Bình Thuận là 599 triệu tấn, chiếm 92% trữ lượng cả nước. Riêng khu Lương Sơn có tổng diện tích 1.500ha được dự báo trữ lượng 142 triệu tấn, tức khoảng 9.466 tấn/ha. Tuy nhiên, qua kết quả thăm dò khu Lương Sơn 1 với diện tích 382ha đã cho trữ lượng 40,759 triệu tấn, tức 10.669 triệu tấn/ha, cao hơn nhiều so với dự báo. 

Đến thời điểm này, tỉnh Bình Thuận có 8 doanh nghiệp được Bộ TN-MT cấp phép khai thác với tổng diện tích 2.542ha, tổng trữ lượng khoáng vật nặng đưa vào khai thác là 7,1 triệu tấn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác titan đang phải tạm dừng khai thác vì các điều kiện kèm theo bao gồm: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế mỏ kèm theo, thủ tục về đất đai, nước cấp, nước thải, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản… đều chưa đủ điều kiện.  

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, hiện tổng diện tích thăm dò, khai thác khoáng sản titan của địa phương có diện tích khoảng 102.000ha, tương đương với 13% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh. Để đảm bảo cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến titan được thuận lợi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã có nhiều cuộc làm việc với Bộ Chính trị và xác định phải xây dựng tỉnh Bình Thuận thành trung tâm khai thác, chế biến sâu titan. 

Ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết, quan điểm của tỉnh Bình Thuận là sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp có đủ tiềm lực, có định hướng khai thác titan bền vững, chế biến sâu để nâng cao giá trị của titan (trong đó có Tập đoàn Hưng Thịnh), theo đúng chủ trương, kế hoạch của trung ương để đưa ngành khoáng sản này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. “Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành công thương, tài nguyên và môi trường rà soát, điều chỉnh quy hoạch titan để đảm bảo về môi trường, có hiệu quả về kinh tế và gắn với chế biến sâu theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Riêng đối với các doanh nghiệp không có đủ tiềm lực, chỉ chú trọng vào khai thác và không đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu, bài bản, gây ảnh hưởng đến môi trường, gây khó khăn cho người dân địa phương, tỉnh sẽ chủ trương không cho khai thác và đề nghị với Bộ TTN-MT thu hồi giấy phép để tập trung cho các doanh nghiệp có điều kiện và phù hợp với chính sách chung về lĩnh vực titan”, ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết.  

Sớm giải quyết những vấn đề phát sinh 

Cũng theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Hưng Thịnh là tập đoàn đầu tư đa ngành nghề có bài bản và tâm huyết tại địa phương như đầu tư tài chính, khai thác và chế biến khoáng sản, du lịch, nông nghiệp kỹ thuật cao và năng lượng sạch tại tỉnh Bình Thuận. Riêng về khoáng sản, Tập đoàn Hưng Thịnh đang có định hướng đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến khoáng sản titan sâu, bền vững tại địa phương và được tỉnh ủng hộ.  

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà máy xỉ titan Hưng Thịnh (Tập đoàn Hưng Thịnh) Phạm Văn Định cho biết, theo định hướng trong năm 2018, công ty sẽ đầu tư nhà máy sản xuất pigment TiO2 với công suất 120.000 tấn/năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đến năm 2021 đầu tư dây chuyền công suất 60.000 tấn/năm. Giai đoạn 2 đến năm 2024 đầu tư dây chuyền sản xuất 60.000 tấn/năm. Tổng mức đầu tư vào khoảng 165 triệu USD. Chỉ riêng với việc sản xuất 120.000 tấn pigment/năm thì nhà máy cần nguồn nguyên liệu đầu vào khoảng 360.000 tấn ilmenit, tức là khoảng 480.000 tấn khoáng vật nặng (quặng thô). Trong khi đó, ngoài sản xuất bột màu pigment, việc sản xuất các sản phẩm khác như ilmenit hoàn nguyên, xỉ titan... cũng chiếm lượng lớn ilmenit trong tổng khoáng vật nặng khai thác. Do vậy một khi đã đầu tư nhà máy chế biến sâu thì nguồn nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo ít nhất 1 triệu tấn khoáng vật nặng/năm. “Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến sâu, chúng tôi mong muốn tỉnh Bình Thuận tạo điều kiện để chúng tôi được sử dụng khu Lương Sơn I3 làm nguồn nguyên liệu ổn định, qua đó đóng góp vào ngân sách của địa phương cũng như khẳng định vị thế của ngành khoáng sản titan ở Việt Nam”, ông Định kiến nghị. 

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ, Bộ TN-MT không xem xét cấp mới giấy phép thăm dò, khai thác titan, tạm dừng đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 theo Quyết định 1546/QĐ-TTg ngày 3-9-2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát triển kinh tế-xã hội và khai thác bền vững khoáng sản titan-zircon trên địa bàn. 

Ghi nhận ý kiến của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Bình Thuận cần phải phối hợp với các Bộ TN-MT, Bộ Công thương đánh giá, khảo sát lại tổng thể chương trình và các dự án khai thác, chế biến titan để đảm bảo tính hiệu quả và có hướng giải quyết đúng đắn, phù hợp những vấn đề phát sinh để không gây ảnh hưởng đến môi trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến theo đúng quy định của pháp luật và ổn định đời sống của người dân quanh vùng dự án. 

PHẠM DUY

 
 
 
 
Được hỗ trợ bởi Dịch