Trước thông tin các doanh nghiệp đầu tư khai thác, chế biên sâu ngành khoáng sản titan ở Bình Thuận cho rằng, đang gặp khó khăn khi UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 3.9.2013 và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 6.5.2014 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Báo Đại biểu Nhân dân đã trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận PHẠM VĂN NAM.

- Thưa ông, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản đề nghị với Tỉnh ủy, lãnh đạo các Bộ Công thương và Tài nguyên Môi trường, Thủ tướng Chính phủ quy hoạch lại vùng dự trữ, thăm dò, khai thác, chế biến titan. Cụ thể vấn đề này như thế nào?

- Việc điều chỉnh thăm dò, khai thác, chế biến titan, Chính phủ giao cho Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Bình Thuận rà soát, tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ có hướng quy hoạch khu vực dự trữ, thăm dò, khai thác, chế biến. Tổng diện tích quy hoạch gồm quy hoạch khai thác và dự trữ quặng titan là 102.227ha, chiếm 13% diện tích tự nhiên của tỉnh. Khu vực dữ trữ được phân bố từ các dãy đồi cát ven biển đến giáp Quốc lộ 1A (huyện Bắc Bình) và là vị trí chiến lược của tỉnh Bình Thuận. Đây là những khu vực ven biển, dân cư sinh sống khá đông, lại là khu vực phù hợp với phát triển du lịch, điện gió và các khu đô thị. Trong khi đó, tỉnh lại có hướng phát triển 3 trung tâm gồm năng lượng tái tạo, trung tâm du lịch và trung tâm khai thác, chế biến titan để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bình Thuận chỉ là cơ quan tham mưu, đề xuất theo hướng bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm điều kiện để doanh nghiệp thăm dò, khai thác, không ảnh hưởng đến môi trường và các quyền, lợi ích khác của Nhà nước không bị xâm hại như rừng, biển... Đây là những yếu tố, là cơ sở để tỉnh đề xuất Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Chính phủ đánh giá, điều chỉnh lại cho phù hợp.

- Thời gian qua, các doanh nghiệp khai thác, chế biến titan có đóng góp như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận, thưa ông?

- Thực ra các doanh nghiệp mới chỉ đang thăm dò, khai thác ở mức cầm chừng nên chưa có đóng góp nhiều về ngân sách cho địa phương. Cụ thể, các doanh nghiệp khai thác, chế biến titan mới chỉ đóng góp vào ngân sách tỉnh gần 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan thì các doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn vào xây dựng nhà máy, thăm dò, xác định trữ lượng, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nếu việc thăm dò, khai thác, chế biến và thị trường thuận lợi, các doanh nghiệp này sẽ có đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.

 

Lãnh đạo Tập đoàn Hưng Thịnh  giới thiệu nhà máy chế biến sâu về titan với các nhà khoa học

- Thưa ông, việc quy hoạch lại vùng dự trữ, thăm dò, khai thác, chế biến titan có ảnh hưởng gì đến các doanh nghiệp đang đầu tư, khai thác, chế biến sâu về titan trên địa bàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ? Nếu có, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Thời gian qua tỉnh cũng nhận được một số văn bản của doanh nghiệp phản ánh việc đánh giá, quy hoạch lại khu vực khai thác, chế biến và dự trữ titan ảnh hưởng đến việc sản xuất. Phải thừa nhận là các doanh nghiệp làm không sai. Do vậy không phải muốn thu hồi là thu hồi được mà phải tôn trọng luật pháp, phải chung tay để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định. Có quy hoạch thì doanh nghiệp mới đăng ký và làm các thủ tục để đầu tư. Quan điểm của Bình Thuận là không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp, mà phải có biện pháp tháo gỡ. Do vậy, tỉnh đã có quy hoạch khu vực khai thác, chế biến titan với diện tích hơn 300ha tại Khu công nghiệp Sông Bình, huyện Bắc Bình. Quan trọng nhất là doanh nghiệp nào chế biến sâu, chế biến sâu như thế nào, công nghệ ở đâu?

- Theo ông, những chính sách mà Bình Thuận triển khai trong thời gian tới sẽ tạo niềm tin đối với các doanh nghiệp khai thác, chế biến titan như thế nào, cũng như tạo động lực để thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh?

- Đa số doanh nghiệp khai thác, chế biến titan không có gì sai hết. Do vậy những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã đầu tư vào Bình Thuận thì phải tìm cách tháo gỡ. Nguyên nhân trước đây do quy hoạch và nóng vội để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nên không đánh giá hết tác động. Hiện nay thực tế tỉnh chỉ đề xuất giảm khu vực dự trữ chứ không phải là khu vực đã giao cho các doanh nghiệp khai thác titan. Hiện nay vùng dự trữ là hơn 82.000ha, nếu muốn đầu tư các dự án khác thì phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình Thủ tướng Chính phủ, trong khi khu vực dự trữ khoáng sản không được đầu tư thì rất lãng phí. Do vậy tỉnh mong muốn và sẽ tạo điều kiện để thu hút dự án ngắn hạn với thời gian từ 20 - 25 năm vào khu vực này để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải thu hồi. Sau này các doanh nghiệp titan khai thác hết diện tích đất được giao sẽ tiếp tục cấp phép những khu vực còn lại. Vấn đề là phải quản lý, kiểm soát được, không để cho người dân phản ứng, khai thác phải bảo đảm môi trường, từ đó mới thu hút được các nhà đầu tư vào các dự án khác chứ không chỉ riêng lĩnh vực khoáng sản.

- Xin cảm ơn ông!

Phát biểu tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận vào cuối năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai khẳng định, tỉnh Bình Thuận sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp có đủ tiềm lực, có định hướng khai thác titan bền vững, chế biến sâu để nâng cao giá trị của titan theo Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25.4.2011 của Bộ Chính trị Khóa XI về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo với ngành công thương, tài nguyên và môi trường rà soát, điều chỉnh quy hoạch titan để bảo đảm môi trường, có hiệu quả về kinh tế và gắn với chế biến sâu. Riêng đối với các doanh nghiệp không có đủ tiềm lực, chỉ chú trọng vào khai thác và không đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu, bài bản, gây ảnh hưởng đến môi trường, gây khó khăn cho người dân địa phương, tỉnh sẽ có chủ trương không cho khai thác và đề nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy phép để tập trung cho các doanh nghiệp có điều kiện và phù hợp với chính sách chung về lĩnh vực titan.

HÀ NAM thực hiện

Đại biểu Nhân dân - 10/06/2018

 
Được hỗ trợ bởi Dịch